Nguồn cung sầu riêng nội địa dồi dào với giá từ 50.000 – 100.000 đồng/kg, rẻ hơn nhiều so với các năm trước nhưng nhập khẩu sầu riêng của VN vẫn tăng mạnh.
Nửa triệu đồng một ký vẫn hút hàng
Là người mê sầu riêng, chị Nguyễn Mai Vân ở TP.HCM cho biết không chỉ ăn rất nhiều loại trái cây này, chị còn “xem cảnh người ta khui sầu riêng trên mạng xã hội cho đỡ ghiền”. Những năm trước, do giá sầu riêng khá cao nên chị chỉ ăn 2 loại phổ biến là Ri6 và Dona vì chất lượng ngon, giá cả vừa túi tiền. “Nhưng từ đầu năm đến nay, thấy nhiều lô hàng xuất khẩu không được, phải quay về thị trường nội địa khiến tôi lo lắng. Do vậy, tôi chỉ mua hàng ở một số địa chỉ thân quen và uy tín. Thật lòng thì cũng không dám tin chắc 100% nhưng dù sao vẫn an tâm hơn hàng trôi nổi. Bên cạnh đó, do thường xem các clip khui sầu riêng trên mạng xã hội nên tôi cũng xem nhiều quảng cáo sầu riêng ngoại. Cầm lòng không được, tôi bỏ tiền mua dùng thử xem nó có giống như lời đồn hay không”, chị Vân giải thích về việc ăn sầu riêng nhập của mình.

Đây chỉ là một trong những lý do mua sầu riêng ngoại nhập của người tiêu dùng nội địa. Thời điểm hiện nay, nhu cầu này tăng hơn do tâm lý nghi ngại vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo khảo sát của Thanh Niên, sầu riêng ngoại nhập được bán phổ biến chủ yếu là các giống Musang King và Black Thorn. Giá sầu riêng Musang King tươi nhập khẩu Malaysia từ 360.000 – 500.000 đồng/kg, cơm sầu riêng từ 1,2 – 1,5 triệu đồng/kg tùy loại. Trong khi đó, hàng trồng tại VN chỉ khoảng 260.000 đồng/kg tươi và 1 triệu đồng/kg cơm (đông lạnh). Đối với sầu riêng Black Thorn, giá từ 500.000 – 600.000 đồng/kg tươi và 1,6 – 1,8 triệu đồng/kg cơm. Còn hàng trồng tại VN tương ứng thấp hơn, khoảng 200.000 đồng/kg tươi và 300.000 – 400.000 đồng/kg cơm. Đại diện một số cửa hàng cho biết cả hàng nội địa và ngoại nhập đều có thể truy xuất nguồn gốc và đảm bảo không tồn dư chất cấm.
“Thực tế, trong thời gian qua sầu riêng ngoại tiêu thụ rất tốt vì nhiều người sẵn sàng bỏ tiền để được thưởng thức sản phẩm “nguyên vị bản địa”. Những lo ngại về chất cấm cũng khiến nhiều người mạnh tay xuống tiền mua hàng ngoại. So với những năm trước, giá sầu riêng nhập khẩu đã giảm khoảng 20%, cũng là một trong những lý do khiến lượng tiêu thụ tăng lên”, chị Hương, đại diện một cửa hàng ở P.Sài Gòn (TP.HCM), cho biết.
Theo số liệu từ Hiệp hội Rau quả VN (VINAFRUIT), trong 4 tháng đầu năm nay, riêng mặt hàng sầu riêng chế biến (đông lạnh) nhập khẩu đạt 9,2 triệu USD, tăng trên 500% so với cùng kỳ năm 2024. Nhiều người giải thích nhu cầu tăng mạnh tập trung vào các tháng đầu năm vì sử dụng làm quà biếu. Từ tháng 4, lượng hàng nhập khẩu bắt đầu giảm so với cùng kỳ năm 2024 và với tháng liền kề trước đó. Ông Nguyễn Văn Mười, Phó tổng thư ký VINAFRUIT, giải thích: Sầu riêng có rất nhiều giống khác nhau và mỗi giống lại có sự khác biệt mang đặc trưng riêng. Trong khi đó, khẩu vị của mỗi người lại rất khác nhau nên việc hàng nhập khẩu về VN tăng cũng không phải là điều gì đặc biệt. Cũng như Thái Lan là nước xuất khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới nhưng họ vẫn nhập khẩu sầu riêng của VN, số lượng đến cả trăm triệu USD mỗi năm.
Xuất khẩu thêm khó vì thời tiết
Trong khi nhập khẩu gia tăng thì từ đầu năm đến nay, xuất khẩu sầu riêng lao dốc do thị trường tiêu thụ lớn nhất là Trung Quốc siết chặt các quy định về giám sát chất lượng. Cụ thể, nước này kiểm tra 100% lô hàng với chất vàng O và cadimi. Khó khăn thị trường chưa được giải quyết triệt để thì người trồng sầu riêng lại đau đầu vì gặp thời tiết bất lợi. Nếu năm ngoái nắng hạn gay gắt khiến sầu riêng giảm năng suất thì năm nay mưa nhiều khiến sầu riêng không lên đường (không đủ độ ngọt, khô) và bị sượng, không đạt chuẩn để xuất khẩu.

Do vậy, giá sầu riêng ở các tỉnh miền Đông Nam bộ và Tây nguyên thời gian gần đây bị phân hóa mạnh. Hàng loại A đạt chuẩn xuất khẩu có giá đến 70.000 – 80.000 đồng/kg, thậm chí là 90.000 đồng/kg với giống Dona; còn Ri6 cũng có giá từ 45.000 – 50.000 đồng/kg. Ngược lại, hàng không đạt chuẩn rớt giá mạnh, chỉ 25.000 – 30.000 đồng/kg. Nhiều nhà vườn cho biết hàng loại A chỉ đạt tỷ lệ 5 – 10%, còn lại là loại B và C. Trong khi đó, năm ngoái thương lái mua xô tại vườn lên tới 75.000 – 80.000 đồng/kg, có thời điểm đến 110.000 – 120.000 đồng. Do vậy dù sản lượng tăng nhưng lợi nhuận giảm hơn năm ngoái từ 50 – 60%.
Bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ban Mê Green Farm (Đắk Lắk), thừa nhận: “Thị trường vẫn còn nhiều rủi ro nên chúng tôi chưa dám tham gia mà chỉ duy trì hoạt động bằng cách làm hàng gia công cho các đối tác. Thêm một rủi ro lớn với người làm xuất khẩu năm nay là mưa nhiều khiến sầu riêng bị sượng, không đạt chuẩn xuất khẩu. Năm nay thật sự ngành sầu riêng gặp quá nhiều khó khăn”.
Ông Nguyễn Văn Mười cũng cho hay suốt cả tháng nay gần như ở các tỉnh miền Đông và Tây nguyên ngày nào cũng có mưa, có nơi mưa to đã ảnh hưởng đến nguồn cung sầu riêng xuất khẩu. Do rủi ro hiện tại quá lớn nên các thương lái và doanh nghiệp cũng cẩn trọng hơn trong thu mua và làm hàng xuất khẩu. Chính vì vậy mà lượng hàng đưa lên cửa khẩu không nhiều nên không xảy ra tình trạng ùn ứ như trước trong khi việc kiểm soát nhập khẩu của Trung Quốc vẫn gắt gao. Với tình hình hiện tại, dự báo xuất khẩu sầu riêng trong 6 tháng đầu năm nay sẽ giảm mạnh. Đáng lo hơn, trong tháng 8 – 9 tới là vào cao điểm thu hoạch rộ sầu riêng vùng Tây nguyên, trong đó trọng điểm là Đắk Lắk. Nếu mưa vẫn còn kéo dài và vấn đề tồn dư chất cấm chưa có giải pháp hữu hiệu sẽ ảnh hưởng đến kết quả của ngành này trong cả năm 2025.
Các chuyên gia khuyến cáo nếu không có đột phá trong quy trình xuất khẩu sầu riêng thì kim ngạch sẽ tiếp tục giảm mạnh và dự báo cả năm 2025 chỉ đạt khoảng 1 – 1,2 tỉ USD, giảm khoảng 50% so với năm 2024. Điều này sẽ khiến kim ngạch của cả nhóm ngành rau quả tụt xuống còn khoảng 5,5 tỉ USD, so với 7,2 tỉ USD của năm 2024.
Sầu riêng nhập khẩu có thật sự khác biệt với hàng nội địa?Theo ông Nguyễn Văn Mười, Phó tổng thư ký VINAFRUIT, sầu riêng Musang King ở Malaysia được gọi vui là “cây của người nghèo trồng phục vụ người giàu” do ban đầu giống này có năng suất thấp, thường người nghèo trồng nhiều. Khi phát hiện chất lượng quá ngon thì giống này mới phổ biến như ngày nay. Trong khi đó, bà con ở VN mang về trồng lại đầu tư chăm bón quá mức mà không nắm vững kỹ thuật với giống cây này. Yếu tố thứ hai là cây sầu riêng Musang King phải từ năm thứ 8 trở đi mới cho chất lượng ngon. Những vườn sầu riêng ở VN có tuổi cây phần lớn còn tương đối trẻ. Còn đối với giống Black Thorn thì chất lượng hàng trồng ở VN khá tốt. |