TPHCM đang xây dựng nhiều Tp, trong đó tập trung chuyển đổi phương tiện từ xăng sang điện và xác định các khu vực hạn chế xe phát thải cao.
Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế – xã hội trên địa bàn TPHCM ngày 17/7, Sở Xây dựng TPHCM đã phản hồi báo chí về các đề án chuyển đổi xanh trong lĩnh vực GTVT đang được xây dựng.
Theo đó, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đang hoàn chỉnh đề án Chuyển đổi xe 2 bánh từ xe xăng sang xe điện cho tài xế xe ôm công nghệ và giao hàng tại TPHCM.
Đề án này đề xuất các giai đoạn chuyển đổi đối với tài xế xe máy công nghệ; đề xuất chính sách hỗ trợ cho các tài xế và người dân mua mới xe máy điện và lộ trình triển khai thực hiện.
Ngoài ra, UBND TPHCM cũng đang giao Sở Xây dựng lập đề án Kiểm soát khí thải phương tiện giao thông trên địa bàn TPHCM theo 2 giai đoạn.

Trong đó, giai đoạn 1, đề án sẽ xác định lộ trình chuyển đổi và chính sách hỗ trợ chuyển đổi xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh, áp dụng từ năm 2025.
Giai đoạn 2, thành phố sẽ xây dựng hoàn chỉnh đề án cho các phương tiện giao thông. Một số khu vực trên địa bàn thành phố sẽ được xem xét lựa chọn để phân vùng kiểm soát khí thải phương tiện giao thông.
Đến nay, Sở Xây dựng đã hoàn thành giai đoạn 1 và báo cáo UBND TPHCM. Theo đó, Sở Xây dựng đã đưa ra lộ trình chuyển đổi nhiên liệu xe buýt với mục tiêu đến năm 2030, 100% xe buýt của TPHCM sử dụng điện, năng lượng xanh.
Đơn vị tư vấn đang xây dựng giai đoạn 2 của đề án với phạm vi là TPHCM mới, dự kiến hoàn thành, lấy ý kiến các đơn vị trong quý III và báo cáo UBND TP trình HĐND TP trong quý IV.
Giai đoạn này xác định lộ trình chuyển đổi và chính sách khuyến khích với cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp chuyển đổi xe sang chạy năng lượng xanh, bao gồm taxi, xe công nghệ, xe hợp đồng, xe khách và xe tải, phương tiện cá nhân, phương tiện thuộc quản lý bởi các đơn vị hành chính công, các doanh nghiệp.
Đề án cũng sẽ đưa ra các điều kiện thực thi chính sách như quy hoạch không gian đô thị, vị trí trạm sạc, trạm thay pin hoặc điểm dừng đỗ cho xe điện; khả năng đáp ứng nguồn cung cấp năng lượng; các yêu cầu kỹ thuật, quy định đầu tư và chính sách ưu đãi với trạm sạc…
Đơn vị tư vấn cũng nghiên cứu chính sách thu mua, đổi xe cũ sang xe mới sử dụng điện, năng lượng xanh, xử lý phương tiện cũ để giảm ô nhiễm môi trường.
Đề án cũng tính đến các biện pháp phân vùng, ưu tiên cho xe sử dụng năng lượng xanh, hạn chế hoạt động của xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch ở khu vực trung tâm TPHCM, Cần Giờ, Côn Đảo…
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng TPHCM đang dự thảo kế hoạch triển khai chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành GTVT trên địa bàn để trình UBND TPHCM ban hành.
Ngoài 2 đề án nêu trên, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đang triển khai nghiên cứu đề án chuyển đổi xanh trên địa bàn theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM. Đây là đề án nghiên cứu tổng thể các nội dung giao thông xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh, hạ tầng đô thị xanh, lối sống xanh, nguồn nhân lực… UBND thành phố đã có Quyết định số 3132/QĐ-UBND ngày 23/6 thành lập Tổ công tác tham mưu thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi xanh của TPHCM do Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố làm tổ trưởng, lãnh đạo Sở Xây dựng là thành viên tổ công tác. |