Bài viết có liên quan
- Bảo tàng Áo dài tổ chức chương trình “Ngày hội lá”, hưởng ứng Ngày môi trường thế giới
- Họp báo Elle fashion show 2023 giao lộ thời trang & kiến trúc
- Khởi động chương trình “Hành Trình Xanh Asean – Asean Green Awards 2023″
- Hoạt hình quốc dân của Hàn Quốc “Xin Chào Jadoo” tung trailer hấp dẫn, chính thức ra mắt khán giả Việt Nam vào tháng 12
- Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ công bố một số sáng kiến, cam kết mới của Việt Nam
SGNM – Chiều 10.6, Bảo tàng Áo dài tại TP.HCM đã tổ chức buổi tiếp nhận áo dài Batik do Tổng lãnh sự quán Indonesia tại TP.HCM trao tặng. Ông Agustaviano Sofjan, Tổng lãnh sự Cộng hòa Indonesia tại TP.HCM trực tiếp có mặt để trao tặng hiện vật cho Bảo tàng. Tham dự còn có đại diện Liên hiệp Các tổ chức Hữu nghị TP.HCM.

Trước đó vào ngày 03/04/2022, buổi trình diễn, giới thiệu về vải Batik và áo dài Việt Nam đón nhận sự hưởng ứng nhiệt tình của công chúng. Bảo tàng được vinh dự là nơi trưng bày các trang phục Batik và Áo dài Batik từ tháng 04/2022 đến đầu tháng 05/2022. Nhận thấy sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế, Tổng lãnh sự quán Cộng hòa Indonesia tại TP.HCM quyết định trao tặng chiếc Áo dài Batik cho Bảo tàng Áo Dài để giới thiệu những nét văn hóa độc đáo của Việt Nam và Indonesia. Đây là chiếc áo dài đầu tiên được tạo nên từ nghệ thuật Batik của các nghệ nhân ở Indonesia…
Batik được xem là một nét truyền thống lâu đời, đây là một sản phẩm thủ công và nghệ thuật trong nhiều thế kỷ. Từ “batik” có nguồn gốc từ tiếng Java là “amba”, có nghĩa và “viết” và “titik”, có nghĩa là “những chấm nhỏ”. Một bản bảo từ năm 1520 sau Công nguyên được tìm thấy ở tỉnh Tây Java, Indonesia chỉ ra rằng batik cũng có nghĩa là “viết”. Trên thực tế, batik có nghĩa là “viết bằng sáp”, đây là một cách trang trí vải bằng cách phủ một lớp sáp, được gọi là “malam”, lên một phần nhất định của tấm vải, sau đó nhuộm vải. Phần vải được bao phủ bởi lớp sáp sẽ không bị đổi màu khi nhuộm. Do đó, sau khi loại bỏ lớp sáp, tấm vải sẽ xuất hiện sự tương phản về màu sắc giữa phần được nhuộm và phần có lớp sáp bao phủ. Các cộng đồng người ở Indonesia đã biết đến batik từ thế kỷ thứ IV hoặc V, và người ta cho rằng kỹ thuật thiết kế và nhuộm batik ở Indonesia cũng đa dạng và nhiều như số lượng hòn đảo ở quốc gia này vậy. Batik của mỗi dân tộc có kiểu dáng và màu sắc riêng. Tuy nhiên, không có khu vực nào phát triển batik thành một sản phẩm nghệ thuật với những hoa văn cầu kỳ giống như batik được tìm thấy ở đảo Java, Indonesia. Người dân ở đảo Java, hay còn gọi là người Java, đã bảo tồn nghề thủ công batik qua hàng thế kỷ.
Đối với họ, batik không chỉ là một loại vải được trang trí phố biến, mà còn mang ý nghĩa triết lý quan trọng và sâu sắc gắn bó mật thiết trong đời sống mỗi con người nơi đây. Batik được sử dụng để quấn và bế những đứa trẻ khi chúng được sinh ra. Bên cạnh đó, batik cũng là một phần không thể thiếu trong các đám cưới. Cuối cùng, batik cũng được sử dụng như một tấm vải liệm trong tang lễ. Năm 2009, batik được UNESCO công nhận là một trong những di sản văn hóa phi vật thể.
Ở Indonesia có những trang phục mang nhiều nét tương đồng với áo dài Việt Nam, nhưng đây là lần đầu tiên các nghệ nhân đi sâu tìm hiểu, thể nghiệm làm áo dài bằng batik. Trang phục được may theo kiểu dáng áo dài truyền thống cổ cao, tay dài. Hai bộ áo dài được may trên nền vải Batik với cách phối màu và trang trí bằng hoa văn truyền thống của Indonesia, nhưng được thực hiện dựa trên cảm hứng sáng tạo riêng của nghệ nhân nên mỗi chi tiết đều mang một nét đẹp khác biệt, không trùng lắp. Các hoa văn trên áo được vẽ bằng tay trong bốn tuần, vì nổi bật với nhiều màu sắc nên quá trình làm Áo dài Batik tốn rất nhiều thời gian.
Sau khi tiếp nhận, áo dài Batik được trưng bày trong không gian Áo dài hội nhập quốc tế, tại cơ sở 2 của Bảo tàng Áo dài để phục vụ khách tham quan.