Bài viết có liên quan
- TP.HCM: Họp báo ra mắt lễ hội bánh mì lần thứ nhất tại Nhà văn hóa Thanh niên
- TP.HCM: Khai mạc triển lãm quốc tế ngành công nghiệp Nhựa và Cao su Việt Nam lần thứ 20
- Họp báo khởi động ngày hội Cotton Day cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam
- Indochina Kajima khởi công xây dựng Khách sạn Wink Trung tâm Cần Thơ, thúc đẩy du lịch khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
- Hội nghị xúc tiến điểm đến du lịch Bắc Kạn 2022
SGNM-Ngày 07/11/2022, Bộ TN&MT đã phối hợp tổ chức “Hội thảo tham vấn dự thảo Thông tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải”.
Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu đến từ các Sở TN&MT các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, các công ty môi trường đô thị, các tổ chức môi trường và các doanh nghiệp, hiệp hội tái chế, xử lý chất thải. Hội thảo được tổ chức theo hình thưc trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

Phát biểu tại Hội thảo, Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) – Tổ trưởng Tổ soạn thảo Thông tư cho biết, trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) là trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với một loại sản phẩm, hàng hóa được mở rộng tới giai đoạn sản phẩm, hàng hóa đó được thải bỏ.
Để thiết lập cơ sở pháp lý cho việc quản lý, sử dụng đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã thành lập Tổ soạn thảo và giao Vụ Pháp chế chủ trì xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ TN&MT ban hành Thông tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải.
Đối với các nguồn tài chính đóng góp từ nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam sẽ được hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì hoặc xử lý chất thải sinh hoạt, tuân thủ nguyên tắc quản lý, sử dụng minh bạch, hiệu quả và đúng mục đích, tuyệt đối không sử dụng cho mục đích khác ngoài tái chế, xử lý chất thải. Đây là điểm khác biệt giữa khoản đóng góp tài chính này so với các loại thuế, phí môi trường hiện nay.

Đây được xem là nguồn tài chính quan trọng để thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế hiện đại, thân thiện môi trường; đồng thời đây cũng là nguồn tài chính bổ sung quan trọng bên cạnh ngân sách địa phương để góp phần giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt vốn rất bức xúc hiện nay.
Trong tương lai, nguồn tài chính này không chỉ tạo ra cơ hội, động lực phát triển ngành công nghiệp tái chế tại Việt Nam mà còn giúp giải quyết vấn đề thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, đặc biệt là các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.
Theo vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ TN&MT, dự thảo Thông tư quy định 02 cơ chế hỗ trợ tài chính gồm hỗ trợ các hoạt động tái chế và hỗ trợ các hoạt động xử lý rác thải.
Về hỗ trợ hoạt động tái chế chất thải, dự thảo Thông tư quy định hỗ trợ hoạt động tái chế là hỗ trợ chi phí tái chế gồm chi phí phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế sản phẩm, bao bì.

Về hỗ trợ hoạt động xử lý chất thải, dự thảo Thông tư quy định hỗ trợ gồm hỗ trợ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện các dự án, hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn, bao gồm: Dự án đầu tư xây dựng, cải tạo các bãi lưu trữ, chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tập trung từ quy mô liên xã; Dự án mua sắm phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ quy mô liên xã; Hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý các bãi chôn lấp chất thải tự phát; Thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các khu vực công cộng bị ô nhiễm môi trường; thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật; Hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Ông Phan Tuấn Hùng cho biết thêm: “Hiện nay các nhà sản xuất, nhập khẩu thuộc đổi tượng thực hiện trách nhiệm xử lý chất thải đã đóng hàng trăm tỷ đồng vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam và để sử dụng hiệu quả, minh bạch nguồn tài chính này thì cần thiết phải có quy định của pháp luật điều chỉnh. Sau Thông tư này được ban hành, Bộ TN&MT sẽ bắt tay ngay vào việc tổ chức giải ngân khoản đóng góp này để hỗ trợ các địa phương thực hiện các hoạt động xử lý chất thải trong năm 2023”, ông Hùng nhấn mạnh.
P.V