Theo báo cáo của Cục thống kê, đến quý II năm nay, Việt Nam có khoảng 1,35 triệu thanh niên không đi học cũng không đi làm. Số liệu này không thay đổi so với con số ghi nhận trong quý I.
Mới đây, Cục thống kê (Bộ Tài chính) công bố báo cáo về tình hình lao động, việc làm quý II và 6 tháng đầu năm.
Báo cáo cho thấy trong quý II, cả nước có khoảng 1,35 triệu thanh niên trong độ tuổi 15-24 không có việc làm và cũng không tham gia học tập, đào tạo (chiếm 10,1%). Trong đó, tỷ lệ này đối với nữ cao hơn nam và xảy ra tại khu vực nông thôn nhiều hơn thành thị.

Số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là hơn 799.000 người, với tỷ lệ thất nghiệp là 2,24%, tăng 0,04% so với quý trước và giảm 0,05% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (15-24 tuổi) là 8,19%, tăng 0,26% so với quý I và tăng 0,18% so với cùng kỳ năm 2024.
Người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động gồm những người có việc làm mong muốn làm thêm giờ; sẵn sàng làm thêm giờ; thực tế làm dưới 35 giờ/tuần.
Còn người thất nghiệp là người từ đủ 15 tuổi trở lên mà trong thời kỳ tham chiếu có đầy đủ cả 3 yếu tố gồm hiện không làm việc; đang tìm kiếm việc làm; sẵn sàng làm việc. Tỷ lệ thất nghiệp là tỷ lệ phần trăm giữa số người thất nghiệp so với lực lượng lao động.
Thu nhập bình quân của người lao động quý II năm 2025 là 8,2 triệu đồng/tháng, giảm 58.000 đồng so với quý I và tăng 800.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam là 9,3 triệu đồng/tháng, nữ là 7 triệu đồng/tháng. Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 9,9 triệu đồng/tháng, nông thôn là 7,2 triệu đồng/tháng.
Thu nhập của lao động quý II thường giảm so với quý I do các khoản thu nhập phụ trội bổ sung từ tiền làm thêm cuối năm và tiền thưởng dịp Tết Nguyên đán thường được chi trả chủ yếu trong quý I.
Trong khi đó, lao động có việc làm ước tính là 52 triệu người, tăng hơn 138.000 người so với quý trước và hơn 544.000 người so với năm 2024. Tỷ lệ người lao động có việc làm nhiều nhất là ở lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; tiếp theo đó là công nghiệp và xây dựng; dịch vụ.
Nhìn chung, lao động có việc làm có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững, bởi số lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn.
Ngoài ra, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam thường dao động ở mức 4%. Tỷ lệ này tăng rất nhanh từ thời điểm quý I năm 2020 và đạt mức cao kỷ lục là 10,4% vào quý III/2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Quý II năm 2025, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng đã được cải thiện, giảm xuống mức 3,9% (tương ứng khoảng 2,06 triệu người).
Được biết, lao động có nhu cầu làm việc nhưng không được đáp ứng đủ công việc (hay còn gọi là lao động không sử dụng hết tiềm năng) bao gồm những người thất nghiệp, thiếu việc làm và một nhóm ngoài lực lượng lao động sẵn sàng làm việc nhưng không tìm việc hoặc có tìm việc nhưng chưa sẵn sàng làm việc ngay.
Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là tỷ số giữa lao động có nhu cầu làm việc nhưng không được đáp ứng đầy đủ công việc so với tổng số lao động có nhu cầu làm việc trong nền kinh tế.
Trong quý II năm nay, báo cáo còn cho thấy lao động làm công việc tự sản tự tiêu là 3,9 triệu người, tăng so với quý trước nhưng giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TPHCM, đúc kết để giải “bài toán” 1,35 triệu thanh niên không đi học, cũng không đi làm, cần hoàn thiện quy trình thu thập và phân tích dữ liệu, rồi mới bắt đầu bàn luận và đưa ra các giải pháp kịp thời.
Chuyên gia nhấn mạnh khi đã có số liệu thống kê chính xác, các đơn vị bắt đầu làm rõ nguyên nhân, phân loại đối tượng, xác định giải pháp chung và giải pháp cho từng địa phương. Trong đó, chính sách của Nhà nước cần đặc biệt hướng đến nhóm thanh niên không đi học và không đi làm này. Trước mắt, chuyên gia cho rằng các đơn vị phải khuyến khích người dân, các bậc cha mẹ dù hoàn cảnh khó khăn cũng nỗ lực, thông qua sự hỗ trợ của các chính sách xã hội, để thế hệ trẻ hoàn thành trình độ trung học cơ sở, trung học phổ thông và đào tạo nghề. Nhà nước cần xây dựng cơ chế, chính sách tích cực, hiệu quả, hỗ trợ thanh niên ở vùng đô thị có hoàn cảnh khó khăn, cũng như thanh niên vùng xa, miền núi, nông thôn hiểu và nhận thức được yêu cầu, nhu cầu của nguồn nhân lực, đối với phát triển kinh tế – xã hội, chính sách an sinh xã hội, học văn hóa và học nghề. Về vấn đề thu thập dữ liệu lao động, tại hội thảo góp ý cho dự án Luật Việc làm (sửa đổi) hôm 8/4, bà Trần Lê Thanh Trúc, Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động (Sở Nội vụ TPHCM), nhắc đến việc cung cấp thông tin lao động hiện chỉ bắt buộc ở khu vực chính thức, có giao kết hợp đồng. Còn lao động khu vực phi chính thức thì chỉ dừng ở mức độ khuyến khích, tức là họ có thể đăng ký hoặc không. Điều này dẫn đến việc thu thập thông tin dữ liệu lao động rất khó đầy đủ và chính xác. |