Sau khi mùa thứ ba của loạt phim Squid game ra mắt, mạng xã hội xuất hiện thông tin cho rằng các sự kiện ở cơ sở Mái ấm Huynh đệ chính là nguồn cảm hứng chính cho loạt phim này.

Sau khi mùa ba – cũng là mùa cuối cùng – của loạt phim Trò chơi Con mực (Squid Game) được Netflix phát hành vào mùa hè 2025, tranh luận về nguồn cảm hứng của phim lại bùng lên trên mạng xã hội.
Một trong những thông tin lan truyền rộng rãi là Squid game lấy cảm hứng từ sự kiện có thật xảy ra tại Hàn Quốc năm 1986, liên quan đến một cơ sở giam giữ có tên Mái ấm Huynh đệ.
Theo trang IMDb, Squid game kể về hàng trăm người khủng hoảng tài chính, chấp nhận tham gia loạt trò chơi tuổi thơ với phần thưởng 45,6 tỉ won, nhưng phải đối mặt rủi ro chết người.
Một số tài khoản trên Instagram và Facebook chia sẻ rằng Mái ấm Huynh đệ từng giam giữ người trái phép và tổ chức các trò chơi sinh tử để loại bỏ kẻ yếu, chỉ giữ lại người sống sót.
Nhiều bài đăng mô tả nơi này là một “nơi trú ẩn” nằm biệt lập, không thuộc sự kiểm soát rõ ràng của chính quyền địa phương nào.

Ngoài ra một số người còn cho rằng Mái ấm Huynh đệ là nơi giam giữ hàng loạt nạn nhân bị bắt cóc và bị ép tham gia các trò chơi nguy hiểm, cực đoan, trong đó phần thưởng duy nhất cho người thắng cuộc là được sống sót.
Tuy nhiên theo báo cáo ngày 8-7 của tổ chức kiểm chứng Snopes, không có bằng chứng cho thấy Mái ấm Huynh đệ là nguồn cảm hứng trực tiếp cho Squid game.

Snopes cho biết họ không tìm thấy bất kỳ mối liên hệ nào giữa cơ sở này với loạt phim, cũng như không có dữ liệu xác thực nào chứng minh từng có các trò chơi cực đoan diễn ra tại đó như mô tả lan truyền trên mạng.
Snopes xác nhận Mái ấm Huynh đệ là một cơ sở giam giữ có thật, đặt tại thành phố Busan, Hàn Quốc.
Cơ sở này từng hoạt động từ những năm 1970 – 1988 theo một sắc lệnh được chính quyền Hàn Quốc đương thời ban hành vào năm 1975, với mục tiêu “làm sạch” người vô gia cư trên đường phố, nhằm tạo dựng hình ảnh một quốc gia hiện đại trước Thế vận hội mùa hè 1988.
Theo Đài Al Jazeera, cơ sở này cùng với nhiều trung tâm khác được gọi là “trung tâm phúc lợi”, nhưng trên thực tế lại hoạt động như các trại tập trung.
Nhiều người từng bị giam giữ tại đây đã lên tiếng về tình trạng bị bỏ đói, cưỡng bức lao động, cũng như chịu đựng các hình thức lạm dụng cả về thể chất và tinh thần.
Về phía ê kíp sản xuất, đạo diễn kiêm biên kịch Hwang Dong Hyuk chưa từng đưa ra bất kỳ tuyên bố nào cho thấy có mối liên hệ giữa Mái ấm Huynh đệ và loạt phim Squid game.
Trong các cuộc phỏng vấn với tạp chí Variety và báo Guardian, đạo diễn Hwang Dong Hyuk cho biết nguồn cảm hứng để ông xây dựng Squid game đến từ các bộ truyện tranh Nhật Bản như Battle Royale và Liar Game.
Ngoài ra kịch bản cũng phản ánh trải nghiệm cá nhân của ông trong giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2009, khi bản thân và gia đình rơi vào cảnh nợ nần.
Bên cạnh đó, một số chi tiết trong phim cũng được lấy cảm hứng từ các sự kiện xã hội có thật, như vụ hơn 2.000 công nhân của hãng sản xuất ô tô SsangYong Motor bị sa thải vào năm 2009.
Đạo diễn Hwang Dong Hyuk cho biết ông muốn truyền tải một thực tế xã hội, rằng chỉ một biến cố ngoài ý muốn cũng có thể đẩy một cá nhân xuống đáy xã hội.