TP.HCM: Bình chọn 50 sự kiện nổi bật kỷ niệm ngày đất nước thống nhất

03:34 | 24/03/2025

Vừa qua, UBND TP.HCM chính thức giới thiệu 57 sự kiện, hoạt động để người dân bình chọn 50 sự kiện nổi bật của thành phố hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).

Việc tổ chức bình chọn 50 sự kiện nổi bật nhằm tôn vinh những thành tựu tiêu biểu đã góp phần vào sự phát triển của TP.HCM nói riêng và của đất nước nói chung.

Thời gian công chúng tham gia bình chọn từ ngày mai, 21/3 và kéo dài đến hết ngày 31/3. Người dân có thể truy cập website để bình chọn và đề cử: https://binhchon50sukien.hochiminhcity.gov.vn/

Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức, người dân có thể tham gia bình chọn hoặc đề cử thêm sự kiện, hoạt động nổi bật trong suốt chiều dài lịch sử 50 năm thống nhất đất nước (kể từ ngày 30/4/1975 đến nay).

Các sự kiện, hoạt động được giới thiệu trên cơ sở tổng hợp, lựa chọn từ đề cử của sở, ngành, địa phương, cơ quan báo chí và hội đồng tư vấn giới thiệu. Trong đó, hội đồng tư vấn quy tụ nhiều chuyên gia, nhà cách mạng lão thành của thành phố, học giả, nhà nghiên cứu về lịch sử phát triển của thành phố.

Đây là cơ hội để người dân cùng tham gia và lựa chọn những sự kiện, hoạt động có dấu ấn lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh…

Các sự kiện, hoạt động do công chúng đề cử sẽ được hội đồng xem xét đưa vào bình chọn khi được đa số công chúng đề cử (tối thiểu 30% trên tổng số lượt người đề cử).

Tiêu chí để bình chọn, đề cử thêm cần phải đúng đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của TP.HCM qua từng chặng đường lịch sử trên các lĩnh vực.

Đồng thời, sự kiện phải có tác động tích cực, lan tỏa, kéo dài được nhân dân đồng tình cũng như mang tính đột phá, có giá trị vượt thời gian, không gian, mở đường cho xu hướng mới, có ích cho xã hội.

Bên cạnh đó, sự kiện cũng cần có giá trị tiêu biểu về ý nghĩa lịch sử, chính trị, phát triển kinh tế – xã hội của TP.HCM nói riêng, vùng Đông Nam bộ và cả nước nói chung; có tiếng vang, được Trung ương và cả nước ghi nhận, bạn bè quốc tế ủng hộ. Các sự kiện, hoạt động nổi bật phản ánh nét đặc trưng tiêu biểu của con người vùng đất thành phố./.

DANH SÁCH ĐỀ XUẤT 50 SỰ KIỆN, HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Giai đoạn 30/4/1975 – 30/4/2025

STT Tên sự kiện

Năm

diễn ra

Lĩnh vực
1. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, Sài Gòn cùng cả nước bước vào kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất, tiến lên Chủ nghĩa xã hội 1975 Chính trị
2. Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn – Gia Định làm lễ ra mắt đồng bào thành phố và tiến hành thực hiện các nhiệm vụ 1975 Chính trị
3. Thành phố Sài Gòn – Gia Định long trọng tổ chức mít tinh mừng chiến thắng 1975 Chính trị
4. Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc tổ chức tại Sài Gòn 1975 Chính trị
5. Ủy ban nhân dân cách mạng Thành phố Hồ Chí Minh ra mắt nhân dân 1976 Chính trị
6. Ngày hội ra quân lao động của Đoàn Thanh niên Thành phố – Thành lập lực lượng Thanh niên Xung phong Thành phố 1976 Chính trị
7. Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa VI Nước Việt Nam thống nhất đã thông qua Nghị quyết chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn – Gia Định thành Thành phố Hồ Chí Minh 1976 Chính trị
8. Phát động phong trào kế hoạch nhỏ của thiếu nhi Thành phố đóng góp xây dựng “Đoàn tàu thống nhất” 1977 VH-XH
9. Phát động Phong trào “Vì tuyến đầu Tổ quốc” và “Vì biển đảo quê hương – Vì tuyến đầu Tổ quốc” 1979 QP-AN
10. Từ “chạy gạo” đến “xé rào bung ra”, phá bỏ cơ chế giá lỗi thời 1980 Kinh tế
11. Hội hoa Xuân tại Công viên Tao Đàn và Đường hoa Nguyễn Huệ 1981 VH-XH
12. Bộ Chính trị ban hành các nghị quyết tạo cơ chế đặc biệt thúc đẩy Thành phố Hồ Chí Minh phát triển (Nghị quyết 01, Nghị quyết 20, Nghị quyết 16 và Nghị quyết 31) 1982 Chính trị
13. Phát động Giải Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh 1982 VH-XH
14. Nhà hát Hòa Bình – Nhà hát đầu tiên sau giải phóng đi vào hoạt động 1983 Công trình – Kiến trúc
15. Công viên văn hóa Đầm Sen đi vào hoạt động 1983 VH-XH
16. Ca mổ tách rời cặp song sinh Việt-Đức thành công 1988 Y tế
17. Thành lập Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon CO.OP) 1989 Kinh tế
18. Cuộc đua xe đạp toàn quốc tranh Cup truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh 1989 Thể thao
19. Thành lập khu chế xuất Tân Thuận – Khu chế xuất đầu tiên của cả nước 1991 Kinh tế
20. Thành phố Hồ Chí Minh khởi xướng phong trào xóa đói giảm nghèo và bền bỉ thực hiện 1992 VH-XH
21. Khánh thành Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược, Củ Chi 1993 Lịch sử,
văn hóa
22. Xây dựng Tượng đài Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố 1993-1997 Lịch sử, văn hóa
23. Phong trào Thanh niên tình nguyện Thành phố Hồ Chí Minh 1993 VH-XH
24. Xây dựng và phát triển phong trào hiến máu tình nguyện Thành phố Hồ Chí Minh 1994 VH-XH
25. Thành lập Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Thành phố Hồ Chí Minh 1994 VH-XH
26. Thành lập Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh 1995 Giáo dục
27. Chính thức đặt tên Bảo tàng chứng tích chiến tranh 1995 VH-XH
28. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư” 1995 Chính trị
29. Các hoạt động nổi bật của Báo chí Thành phố 1995 VH-XH
30. Những em bé đầu tiên ra đời từ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm 1998 Y tế
31. Hoạt động kỷ niệm 300 năm thành lập thành phố Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) 1998 Chính trị
32. Thành lập Khu công viên phần mềm Quang Trung – Khu công nghệ thông tin tập trung đầu tiên của cả nước 2000 KHCN
33. Phong trào “Hiến đất làm đường, mở hẻm” 2000 VH-XH
34. Giải thưởng Tôn Đức Thắng – Giải thưởng dành cho công nhân Thành phố Hồ Chí Minh 2000 KHCN
35. Thành phố Hồ Chí Minh khai trương Trung tâm Giao dịch Chứng khoán 2000 Kinh tế
36. Rừng Sác, rừng ngập mặn Cần Giờ được Tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển
đầu tiên của Việt Nam
2000 Môi trường
37. Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu 3 giảm 2001 VH-XH
38. Khánh thành Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh 2002 KHCN
39. Chương trình “Bình ổn thị trường” góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định nguồn cung hàng hóa; bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao 2002 Kinh tế
40. Khởi công xây dựng Khu tưởng niệm các Vua Hùng 2002 Công trình – Kiến trúc
41. Chuỗi sự kiện thúc đẩy phát triển du lịch thành phố 2006 VH-XH
42. Khánh thành Đại lộ Nguyễn Văn Linh – Con đường của tầm nhìn mới; Xây dựng khu dân cư Phú Mỹ Hưng 2007 Công trình
43. Lễ hội đường sách Tết và Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh 2010 VH-XH
44. Khánh thành đường hầm sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm) và đại lộ Đông Tây (Đại lộ Võ Văn Kiệt) 2011 GTVT
45. Khánh thành dự án cải tạo, hồi sinh kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè 2012 Môi trường
46. Khánh thành Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trước trụ sở Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố 2015 Lịch sử,
văn hóa
47. Khánh thành quần thể Công trình Nhà thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh 2016 VH-XH
48. Hành trình tiên phong và tầm nhìn của Thành phố Hồ Chí Minh trong kỷ nguyên số 2017 KHCN – CĐS
49.    Thành lập thành phố Thủ Đức – Thành phố đầu tiên của thành phố trực thuộc Trung ương 2020 Chính trị
50. Thành phố Hồ Chí Minh kiên cường vượt qua đại dịch Covid-19 2021 VH-XH
51. Ra mắt chương trình “Nói và Làm”, “Lắng nghe và Trao đổi”, tiền thân chương trình “Dân hỏi – Chính quyền trả lời” 2021 Chính trị
52. Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh 2022 VH-XH
53. Khánh thành Khu Truyền thống cuộc Tổng Tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 2022 VH-XH
54. Chính thức vận hành tuyến Metro số 1 (tuyến Bến Thành – Suối Tiên) 2024 GTVT
55. Thành phố Hồ Chí Minh được Tổ chức UNESCO công nhận thành viên Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu 2024 Giáo dục
56. Kết quả thực hiện Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn Thành phố 2024 Kinh tế
57. Thành phố Hồ Chí Minh ra mắt Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 04 (C4IR) – Trung tâm CMCN 4.0 duy nhất tại Việt Nam 2024 KHCN

Ngọc Mi

 

 

 

 

Bài viết liên quan